5 loại trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc mà bạn nên tránh
Có một câu nói quen thuộc: “Ăn một quả táo mỗi ngày giúp bạn khỏi phải gặp bác sĩ”, nhưng có lẽ câu này không thể ứng dụng ở Trung Quốc. Do thiếu những nguyên tắc quy định và biện pháp cưỡng chế, nông dân ở Trung Quốc thường xuyên bổ sung thêm liều lượng phân bón, chất bảo quản, thuốc trừ sâu và các hóa chất khác ở mức độ gây nguy hiểm nhằm cố gắng tăng sức hấp dẫn của trái cây và rau quả. Ngay cả trong các ngành sản xuất, vấn đề an toàn thực phẩm cũng trở nên khó kiểm soát hơn, vì các nhà sản xuất thường cắt giảm công đoạn và thêm vào các thành phần nguy hiểm để tạo ra sản phẩm với chi phí thấp hơn.
Trong khi không có cách nào để biết liệu các trái cây đã bị nhiễm độc ở Trung Quốc có phải đã được xuất khẩu sang Hoa Kỳ hay không, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ kiểm tra không đến 3 phần trăm số hàng nhập khẩu để xác định những vi phạm và khuyết tật.
Dưới đây là 5 loại trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc đến Mỹ mà có thể người tiêu dùng sẽ không muốn ăn. (Các loại trái cây này cũng dễ bắt gặp ở thị trường Việt Nam)
1. Táo
Dữ kiện: Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trong năm 2014, Mỹ nhập khẩu trên 300 triệu USD nước táo, 12 triệu USD táo quả được bảo quản, và táo khô có trị giá 7,7 triệu USD. Trung Quốc là nhà sản xuất táo lớn nhất thế giới.
Vấn đề: theo Thời báo Sina, một trang web rất lớn tại Trung Quốc, ở Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, nông dân đã bị phát hiện trồng táo trong các túi có chứa thuốc trừ sâu bất hợp pháp. Họ đã quấn các túi có chứa một lượng lớn các hóa chất dạng bột màu trắng xung quanh những quả táo non trên cây (cùng các loại thuốc trừ sâu tiếp xúc trực tiếp với trái cây), và không dỡ bỏ chúng đi cho đến khi táo đã trưởng thành. Mặc dù từ tháng 3 năm 2012, việc này đã bị chính quyền địa phương cấm do những lo ngại về sức khỏe, nhưng vào tháng 6 vừa qua, các phóng viên điều tra đã phát hiện việc nuôi trồng bừa bãi không những không bị ngưng lại mà còn tiếp tục phát triển rộng rãi.
Người nông dân cho rằng họ làm như vậy để có được những quả táo tròn hơn, to hơn và sáng màu hơn, đồng thời không có bất kỳ đốm đen hoặc khiếm khuyết nào. Tác động rõ ràng của các hóa chất đã được chứng minh bởi nhiều nông dân khi làm việc phải đeo mặt nạ và găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với chúng, chưa kể một số thậm chí còn che phủ toàn bộ khuôn mặt của họ, giống như đang mang mặt nạ ngừa hơi độc.
2. Đào
Dữ kiện: Mỹ nhập khẩu một lượng trị giá 83,5 triệu USD đào đã qua chế biến hoặc được bảo quản từ Trung Quốc trong năm 2014, theo số liệu của ITC.
Vấn đề: Vào đầu năm 2014, Viện Đo lường Quốc gia tại Úc đã thử nghiệm đào đóng hộp nhập khẩu từ Trung Quốc và phát hiện một số đào có lượng chì gấp đôi lượng được cho phép trong một sản phẩm, theo Weekly Times, một tờ báo địa phương của Úc. Dựa trên thông tin từ Cục Y tế New York, lượng chì cao có thể gây tổn thương não, cũng như gây hại cho hệ thống tiêu hóa và sinh sản, với phụ nữ mang thai và trẻ em thì đặc biệt nguy hiểm.
3. Dâu tây
Dữ kiện: Căn cứ vào số liệu thống kê từ ITC, Mỹ nhập khẩu 3,7 triệu USD tương đương 3.852 tấn dâu tây đông lạnh và 3,618 triệu USD tương đương 1.329 tấn dâu tây được chế biến hoặc bảo quản trong năm 2014.
Vấn đề: Trong năm 2012, Đức đã ghi nhận một ổ dịch bệnh từ thực phẩm lớn nhất trong lịch sử nước này gây ra bởi dâu tây đông lạnh nhập khẩu từ Trung Quốc, theo một báo cáo của Thời báo An toàn Thực phẩm (Food Safety News). Những quả dâu tây này có chứa norovirus (tên của một nhóm virút thường gây ra dịch viêm đường ruột) đã gây bệnh cho 11.000 người trẻ tuổi khắp miền đông nước Đức, 32 người đã phải nhập viện. Một phát ngôn viên cho một tổ chức người tiêu dùng ở Đức cho biết Sodexo, nhà phân phối thực phẩm đã nhập khẩu dâu tây bị nhiễm bẩn, họ có thể đã chọn mua chúng vì giá của chúng rẻ.
4. Quả vải
(Agricultural Research Service/Wikimedia Commons)
Dữ kiện: Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Mỹ đã nhập khẩu trị giá 2,2 triệu USD quả vải được bảo quản từ Trung Quốc vào năm 2014.
Vấn đề: Trong tháng 6, năm 2007, Li Ruyi, 66 tuổi, người sống ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, đã mua một số vải màu đỏ tươi từ một xe bò bên đường vì nhìn chúng rất tươi ngon. Bà về nhà và ăn một phần lớn trong số đó, dùng răng của mình để cắn và bóc vỏ vì ngón tay của bà không còn được nhanh khỏe nữa.
Ngày hôm sau, bà thức dậy và nhận thấy da môi của bà tróc ra khô nứt và sưng rộp đau đớn. Khi bà kiểm tra chỗ vải thiều còn sót lại, bà thấy chúng có màu đen và phát ra một mùi chua hăng sộc thẳng vào mũi.
Phóng viên điều tra phát hiện ra rằng một số người bán hàng vô đạo đức đã phun axít sulfuric vào quả vải để “làm đẹp” cho chúng, cho chúng có màu đỏ tươi sáng tạm thời. Nhưng một khi dung dịch axit sulfuric đã bay hơi và cô đọng lại rồi ngấm vào vỏ, những quả vải này sẽ nhanh chóng chuyển thành màu đen.
5. Chuối
Dữ kiện: Trong năm 2014, Mỹ nhập khẩu 1,620 triệu USD tương đương với 136 tấn chuối sấy khô, theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), một cơ quan chung của Tổ chức Thương mại Thế giới và Liên Hợp Quốc.
Vấn đề: Một số người bán hàng ở Trung Quốc sử dụng dung dịch amoniac, nguy hại đến sức khỏe của người dân khi tiêu thụ với số lượng lớn, để đẩy nhanh quá trình chín của chuối, theo Sohu, một cổng thông tin của Trung Quốc. Sau khi mua chuối xanh từ Chương Châu, Phúc Kiến hay ở nơi khác, chủ cửa hàng phun một lượng dung dịch amoniac lên chúng rồi dùng màng nhựa dẻo bọc những quả chuối này lại. Ba ngày sau, những quả chuối này chín và đều có màu vàng. Tuy nhiên, tuổi thọ của chúng ngắn hơn, vì vậy đôi khi người tiêu dùng định mua những quả chuối mà nhìn bên ngoài có vẻ đã chín nhưng thực sự đã bị thối rữa ở bên trong.
Chia sẻ bài viết này
No comments:
Post a Comment